Lên kế hoạch tổ chức dã ngoại an toàn cho trẻ mầm non
Những lưu ý khi tổ chức cắm trại cho trẻ mầm non
Ở bậc mầm non (từ 3 đến 6 tuổi), các bé thường có những chuyến dã ngoại gần. Đó là các cuộc đi ra khỏi khuôn viên trường mẫu giáo quen thuộc, cô trò loanh quanh một vài tiếng đồng hồ để tìm hiểu thiên nhiên.
Qua chuyến đi đó, các bé sẽ hiểu mùa xuân có hoa cỏ gì, côn trùng gì, mùa hè ra sao? Mùa thu thế nào? Hoặc đơn giản là đi dọc các phố để học về luật giao thông từ những điều đơn sơ nhất như qua đường thì phải nhìn trái, nhìn phải, đợi đèn xanh, tay giơ lên cao, quan sát phố xá.
Cũng có khi chỉ đơn giản là mang cơm trưa đến công viên gần nhất để cùng chơi và ăn trưa ngoài trời. Các em sẽ di chuyển theo hàng lối, có giáo viên đi trước và sau hàng.
Học sinh được phổ biến những quy tắc đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ trong quá trình đi lại, hoạt động nên sẽ báo cáo thầy cô kịp thời hay nhắc nhở nhau đi đứng trật tự, bám sát các bạn, thầy cô của mình.
Có thể nói những cuộc dã ngoại gần này là sự luyện tập cho các bé kiểm soát bản thân, tinh thần đồng đội, tác phong kỷ luật khi đi lại.
Dã ngoại xa thường diễn ra vào năm học mới, nhà trường đã lên sẵn lịch dã ngoại xa với địa điểm cụ thể cũng như ngày phòng bị cho trường hợp kế hoạch bị mưa bão mà phải hủy.
Thường dã ngoại xa thì phải đi xe buýt hay tàu điện đến các công viên bách thú, công viên thực vật để tham quan và vui chơi, cuộc dã ngoại sẽ kéo dài từ sáng tới chiều, muộn nhất cũng chỉ chừng 3h chiều là đã trở về vì thế sẽ không tới các nơi quá xa. Ở lớp bé và lớp nhỡ thì phải có phụ huynh đi cùng.
Lên kế hoạch và chuẩn bị cho dã ngoại
Nhà trường sẽ lên kế hoạch cụ thể về thời gian và các bé, phụ huynh chấp hành theo lịch trình có sẵn. Giáo viên dù đi cùng nhưng không tách ra nhóm riêng mà cùng vui chơi, sinh hoạt với học sinh.
Lên lớp lớn thì các bé sẽ tự đi cùng với giáo viên chủ nhiệm. Cuộc dã ngoại được chuẩn bị kỹ càng, học sinh được biết sẽ đi đâu, làm gì, đi bằng phương tiện gì. Lịch hoạt động được lên kế hoạch tỉ mỉ, phân chia thành từng tổ, mỗi tổ có một em làm tổ trưởng, một em tổ phó và các thành viên.
Nhiệm vụ của mỗi người được phân công rõ ràng và thống nhất thành “luật” để mọi người chấp hành. Có danh sách những thứ đồ cần mang đi, phải được ghi tên cẩn thận nhằm tránh nhầm lẫn như khăn tay ướt, khăn tay khô, khăn giấy, miếng trải ni lông chừng 1m2…
Bên cạnh đó, danh sách đồ dùng học sinh cần mang theo không thể thiếu phần cơm trưa, nước uống (nước trà hay nước suối), băng dán vết thương, ba lô, mũ, ô che mưa hay áo mưa, quần áo để thay, bàn chải đánh răng… kể cả tiền để mua vé tàu nếu đi bằng tàu.
Thậm chí, chỗ ngồi trên xe buýt cũng được phân chia và thông báo cụ thể cho mỗi em trước ngày lên đường. Em nào hay bị say xe sẽ được ưu tiên ngồi trước… Các cuộc dã ngoại này cũng thường đi tới các địa danh lịch sử, văn hóa, thiên nhiên để học sinh hiểu về nơi mình sống, thiên nhiên xung quanh.
Chuyến đi nghỉ lại ở lớp lớn diễn ra vào năm cuối cấp của mầm non, cuộc đi chơi xa này kéo dài một đêm hai ngày. Để chuẩn bị cho chuyến đi quan trọng này, nhà trường đã họp phổ biến tỉ mỉ cho phụ huynh từ mấy tháng trước.
Đi đâu? Hoạt động thế nào? Ăn uống cái gì? Nghỉ lại ở đâu? Những thứ cần mang? Những điều lưu ý về sức khỏe, dị ứng của mỗi học sinh, những thắc mắc của phụ huynh… tất cả đều được nhà trường thu thập ý kiến, giải thích cụ thể và chuẩn bị không thể tỉ mỉ hay cẩn thận hơn.
Tất nhiên, học sinh cũng được chia thành nhóm tổ. Giáo viên cả trường từ thầy hiệu trưởng, nhân viên hành chính đều tham gia chuyến đi này để chia sẻ cũng như giúp đỡ và bảo đảm an toàn cho học sinh. Trước ngày xuất phát cả tuần, hàng ngày phụ huynh phải theo dõi nhiệt độ, sức khỏe của học sinh, ghi vào hồ sơ báo cáo hàng ngày cho nhà trường.